Chính sách chủng tộc Đức_Quốc_Xã

Phân biệt chủng tộc và bài Do Thái là những giáo lý cơ bản của chế độ Quốc xã. Chính sách chủng tộc của Đức Quốc Xã dựa trên niềm tin của họ về sự hiện hữu của một chủng tộc thượng đẳng ưu việt. Những người Quốc xã mặc nhiên công nhận sự tồn tại của cuộc xung đột giữa chủng tộc Aryan thượng đẳng và những chủng tộc hạ đẳng, đặc biệt là người Do Thái, chủng tộc được cho là hỗn tạp đã thâm nhập vào xã hội và bóc lột cũng như đàn áp chủng tộc Aryan.[258]

Khủng bố người Do Thái

Ngay lập tức sau khi Quốc xã lên nắm quyền, người Do Thái đã bị phân biệt đối xử, tiếp đến là một loạt vụ tấn công của SA nhằm vào các cửa hàng, giáo đường, và những người làm việc trong ngành pháp lý kéo dài một tháng. Vào ngày 1 tháng 4 năm 1933 Hitler tuyên bố tẩy chay các hoạt động kinh doanh của người Do Thái trên toàn quốc.[259] Một đạo luật (Gesetz zur Wiederherstellung des Berufsbeamtentums, trực dịch: Luật vì sự phục hồi của ngành dân chính chuyên nghiệp) thông qua vào ngày 7 tháng 4 đã buộc tất cả những công chức không là người Aryan phải rời bỏ khỏi ngành pháp lý và dân chính.[260] Sau đó là một luật tương tự tước bỏ quyền hành nghề của người Do Thái đối với những loại nghề nghiệp khác. Vào ngày 11 tháng 4 một nghị định được ban hành trong đó tuyên bố rằng bất kỳ ai có một trong bốn người: cha, mẹ, ông, bà là người Do Thái thì sẽ không thuộc chủng tộc Aryan. Như là một phần của xu thế loại bỏ yếu tố Do Thái ra khỏi đời sống văn hóa, các thành viên của NSGSL (Liên đoàn Sinh viên Quốc gia Xã hội chủ nghĩa) đã vứt bỏ khỏi các thư viện bất kỳ cuốn sách nào được xem là không phù hợp, tiếp theo là một đợt đốt sách trên phạm vi toàn quốc diễn ra vào ngày 10 tháng 5.[261]

Quốc xã đã sử dụng bạo lực và áp lực kinh tế để ép buộc người Do Thái rời khỏi đất nước.[262] Hoạt động kinh doanh của người Do Thái bị cách ly khỏi thị trường, quảng cáo trên báo bị cấm, và họ không được phép quan hệ với chính phủ. Cùng với đó người Do Thái còn phải chịu đựng sự quấy nhiễu và những cuộc tấn công bạo lực.[263] Nhiều khu vực đã đăng biển cấm không cho người Do Thái bước vào.[264]

Thiệt hại sau sự kiện Kristallnacht (Đêm thủy tinh vỡ), 9 tháng 11 năm 1938

Vào tháng 11 năm 1938, một người Do Thái trẻ có tên Herschel Grynszpan đề nghị thực hiện một cuộc phỏng vấn với đại sứ Đức ở Paris. Grynszpan gặp và bắn chết một nhân viên của tòa đại sứ, nhà ngoại giao Ernst vom Rath. Sự kiện này đã cho đảng Quốc xã cái cớ để tiến hành một cuộc nổi loạn kích động chống lại người Do Thái vào ngày 9 tháng 11 năm 1938. Các thành viên SA đã đập phá giáo đường và tài sản của người Do Thái trên khắp nước Đức. Ít nhất 91 người Do Thái Đức bị giết trong cuộc bạo động mà sau này được gọi là Kristallnacht (Đêm thủy tinh vỡ).[265][266] Trong những tháng tiếp theo, chính quyền tiếp tục áp đặt thêm những lệnh trừng phạt đối với người Do Thái, họ bị cấm sở hữu doanh nghiệp hoặc làm việc trong các cửa hàng bán lẻ, không được phép lái xe, đi xem phim, đến thư viện, hay sở hữu vũ khí. Học sinh Do Thái bị đuổi khỏi trường. Cộng đồng người Do Thái bị phạt một triệu mark tiền thanh toán thiệt hại gây ra từ vụ Kristallnacht và bất kỳ khoản tiền nào trả bằng bảo hiểm sẽ bị tịch thu.[267] Đến năm 1939 khoảng 250.000 trong số 437.000 người Do Thái tại Đức đã di cư đến Mỹ, Argentina, Anh, Palestine, và một số nước khác.[268][269] Nhiều người chọn ở lại lục địa châu Âu. Những người di cư đến Palestine được phép mang theo tài sản dưới các điều khoản của Hiệp ước Haavara, còn đối với các quốc gia khác, họ phải để lại gần như toàn bộ tài sản và chính quyền sẽ chiếm đoạt số tài sản đó.[269]

Người Di-gan và các nhóm đối tượng khác

Xem thêm thông tin: PorajmosThuyết ưu sinh Quốc xã

Cũng như người Do Thái, người Di-gan đã phải chịu sự khủng bố từ những ngày đầu khi Quốc xã lên nắm quyền. Do không thuộc chủng tộc Aryan, họ bị cấm kết hôn với người thuộc dòng dõi Đức. Bắt đầu từ năm 1935, một số lượng lớn người Di-gan đã bị chuyển đến và sát hại trong các trại tập trung.[162] Quốc xã cho triển khai Aktion T4 (Hành động T4), một chương trình giết người có hệ thống nhằm vào những đối tượng khuyết tật về tinh thần và thể chất, bao gồm những bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần. Chương trình được tiến hành chủ yếu trong giai đoạn 1939 đến 1941 tuy nhiên nó vẫn tiếp tục cho đến khi chiến tranh kết thúc. Ban đầu, phương pháp xử lý là dùng súng bắn, đến cuối năm 1941 các phòng hơi ngạt được đưa vào sử dụng.[270] Dưới các điều khoản của một đạo luật ban hành vào ngày 14 tháng 7 năm 1933, chế độ Quốc xã đã tiến hành triệt sản ép buộc đối với hơn 400.000 cá nhân bị gán cho là có khuyết tật về mặt di truyền.[271] Hơn một nửa trong số những người này bị cho là thiếu hụt về trí óc, trong đó bao gồm không chỉ những người đạt điểm số thấp trong các bài kiểm tra trí tuệ, mà còn những người lệch chuẩn mong đợi về tính tiết kiệm, hành vi tình dục, và tình trạng sạch sẽ. Những người ốm yếu về tinh thần và thể trạng cũng là mục tiêu của Quốc xã. Đa phần nạn nhân đến từ các nhóm thành phần thua thiệt trong xã hội như gái mại dâm, người nghèo, người vô gia cư, và tội phạm.[272] Ngoài ra còn có các nhóm đối tượng khác cũng phải chịu sự khủng bố và tàn sát đó là tín hữu Nhân chứng Jehovah, người đồng tính, người không thích nghi được với xã hội, các địch thủ chính trị và tôn giáo.[163][273]

Cuộc tàn sát chủng tộc

Bài chi tiết: Holocaust

Căn nguyên cuộc chiến của Đức Quốc Xã ở phía đông đến từ quan điểm đã có từ lâu của Hitler rằng người Do Thái là kẻ thù lớn nhất của dân tộc Đức, và để đáp ứng một thứ khác mà ông ta mong muốn đó là Lebensraum (không gian sống). Hitler tập trung sự chú ý vào Đông Âu, nhắm đến mục tiêu đánh bại Ba Lan, Liên Xô, kèm theo đó là xua đuổi hoặc tiêu diệt người Do Thái và người Slav sống ở những khu vực này.[160][161] Sau khi chiếm được Ba Lan, Quốc xã dồn vây tất cả người Do Thái tại vùng lãnh thổ Generalgouvernement vào trong các khu Do Thái và buộc những người có sức khỏe phải đi lao động.[274] Vào năm 1941, Hitler quyết định hủy diệt hoàn toàn dân tộc Ba Lan. Ông lên kế hoạch trong vòng từ 10 đến 20 năm vùng lãnh thổ Ba Lan do Đức chiếm đóng sẽ sạch bóng sắc tộc Ba Lan và người Đức sẽ tới định cư thay thế.[275] Khoảng 3,8 đến 4 triệu người Ba Lan sẽ được giữ lại làm nô lệ,[276] đây là một phần trong lực lượng lao động 14 triệu người mà Quốc xã dự định tạo nên từ công dân của các quốc gia bị chinh phục ở phía đông.[161][277]

Lò thiêu tại Auschwitz I

Quốc xã đề ra Generalplan Ost (Kế hoạch Tổng thể cho phía Đông) với mục tiêu trục xuất cư dân Đông Âu (ở những khu vực chiếm đóng) và Liên Xô đến Siberia để tàn sát hoặc sử dụng làm lao động nô lệ.[278] Nhằm xác định đối tượng tiêu diệt, Himmler thành lập nên Volksliste, một hệ thống phân loại người được xem là có dòng dõi Đức.[279] Himmler ra lệnh những người gốc Đức nào từ chối gia nhập nhóm sắc tộc Đức sẽ bị trục xuất đến các trại tập trung hoặc bị bắt làm lao động khổ sai, và con của họ sẽ bị lấy đi.[280][281] Kế hoạch này còn bao gồm việc bắt cóc những đứa trẻ có các đặc điểm Aryan-Bắc Âu, đối tượng được cho là có gốc Đức.[282] Quốc xã định triển khai Generalplan Ost sau khi chinh phục được Liên Xô, nhưng khi mà điều này không thể thực hiện, Hitler đã nghĩ đến những giải pháp khác.[278][283] Một gợi ý là tiến hành trục xuất trên quy mô lớn người Do Thái đến Ba Lan, Palestine, hoặc Madagasca.[274]

Một phụ nữ Do Thái dùng thân mình để bảo vệ đứa trẻ trước họng súng của lính Einsatzgruppen, Ukraina, 1942

Vào khoảng thời gian gần với thời điểm Quốc xã thất bại trong cuộc tấn công Moskva hồi tháng 12 năm 1941, Hitler đã quyết định rằng người Do Thái ở châu Âu phải bị tận diệt ngay lập tức.[284] Những kế hoạch nhằm xóa sổ toàn bộ số dân Do Thái ở châu Âu — khoảng 11 triệu người — được chính thức hóa tại Hội nghị Wansee diễn ra vào ngày 20 tháng 1 năm 1942. Theo đó, một số sẽ phải làm việc cho đến chết, và số còn lại thì sẽ bị giết trong quá trình thực thi kế hoạch Die Endlösung der Judenfrage (Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái).[285] Ban đầu, Quốc xã hành quyết nạn nhân bằng xe hơi ngạt hoặc bằng súng (thi hành bởi các đội xử bắn Einsatzgruppen), nhưng những phương pháp này đã chứng minh chúng không thể đáp ứng được chiến dịch có quy mô lớn như vậy.[286] Đến năm 1941, những trung tâm giết người tại trại tập trung Auschwitz, Sobibor, Treblinka, và những trại tử thần khác của Đức Quốc Xã đã trở thành phương thức chủ đạo thay thế cho Einsatzgruppen.[287] Tổng số người Do Thái bị Đức Quốc Xã giết hại trong chiến tranh ước tính từ 5,5 đến 6 triệu người,[225] trong đó có khoảng hơn một triệu trẻ em.[288] Bên cạnh đó là 12 triệu người bị ép làm lao động khổ sai.[250]

Người dân Đức có thể biết về những điều đã xảy ra thông qua binh sĩ trở về từ các vùng lãnh thổ chiếm đóng.[289] Theo nhà sử học Evans, đa phần người Đức phản đối cuộc diệt chủng.[290][lower-alpha 6] Một số người Ba Lan đã cố gắng giải cứu hoặc che giấu những người Do Thái còn lại, và các thành viên của phong trào bí mật Ba Lan cũng thông báo với chính phủ lưu vong của họ tại Luân Đôn về những điều đã xảy ra.[291]

Bên cạnh diệt chủng người Do Thái, Quốc xã còn dự định làm giảm số dân tại những vùng lãnh thổ chinh phục được xuống 30 triệu người bằng cách bỏ đói các nạn nhân thông qua một kế hoạch được gọi là der Hungerplan. Nguồn lương thực sẽ được chuyển cho quân đội và công dân Đức. Các thành phố sẽ bị san bằng và diện tích đất được dành cho rừng hoặc người gốc Đức tái định cư.[292] Kết hợp lại, hai kế hoạch der Hungerplan và Generalplan Ost sẽ khiến khoảng 80 triệu người dân Liên Xô bị chết đói.[293] Tuy nhiên với việc chúng chỉ hoàn thành được một phần, số thường dân và tù binh chiến tranh bỏ mạng ước tính vào khoảng 19,3 triệu người.[294]

Đàn áp sắc tộc Ba Lan

Hành quyết công dân Ba Lan tại Bochnia trong thời kỳ Đức chiếm đóng Ba Lan, 18 tháng 12 năm 1939

Trong giai đoạn Ba Lan bị chiếm đóng; Quốc xã đã sát hại khoảng 2,7 triệu người dân tộc Ba Lan.[295] Dân thường Ba Lan bị buộc phải làm lao động khổ sai trong các ngành công nghiệp của Đức, bị bắt giam, hành quyết, hay trục xuất hàng loạt để dọn đường cho người Đức. Giới chức trách Đức tham gia vào nỗ lực hủy diệt nền văn hóa và bản sắc dân tộc Ba Lan. Rất nhiều giảng viên (giáo sư) đại học và những người thuộc giới trí thức Ba Lan đã bị bắt và xử tử, hoặc chuyển đến các trại tập trung với chiến dịch AB-Aktion. Trong chiến tranh, Ba Lan mất đi 39 đến 45% bác sĩ và nha sĩ, 26 đến 57% luật sư, 15 đến 30% giáo viên, 30 đến 40% nhà khoa học và giảng viên đại học, và 18 đến 28% tăng lữ.[296] Thêm vào đó, 43% số cơ quan nghiên cứu và giáo dục cùng 14% số bảo tàng của quốc gia này cũng đã bị phá hủy.[297]

Ngược đãi tù binh chiến tranh Liên Xô

Tù binh chiến tranh Liên Xô trần truồng trong trại tập trung Mauthausen-Gusen

Ước tính trong giai đoạn từ tháng 6 năm 1941 đến tháng 1 năm 1942, Đức Quốc Xã đã sát hại khoảng 2,8 triệu tù binh chiến tranh Liên Xô.[298] Rất nhiều nạn nhân trong số đó chết vì bị bỏ đói trong những bãi giam giữ ngoài trời tại Auschwitz và những nơi khác.[299] Tỉ lệ tù binh thiệt mạng giảm dần khi Quốc xã cần nô lệ để phục vụ cho chiến tranh; đến năm 1943, nửa triệu tù binh đã được sử dụng làm lao động nô lệ.[300] Chiến tranh thế giới thứ hai đã cướp đi của Liên Xô 27 triệu sinh mạng; chưa đến 9 triệu người trong đó chết trên chiến trường.[301]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đức_Quốc_Xã http://www.dipublico.com.ar/english/agreement-betw... http://www.khatyn.by/en/genocide/expeditions/ http://www.collectionscanada.gc.ca/obj/s4/f2/dsk3/... http://www.amazon.com/The-Third-Reich-History-Memo... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/414633/M... http://www.nathaninc.com/sites/default/files/Pub%2... http://www.thirdreichruins.com/index.htm http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.warsawuprising.com/paper/wrobel1.htm http://www.bundesarchiv.de/benutzung/zeitbezug/nat...